Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Toàn cầu đau đầu đảm bảo lương thực trong đại dịch

Khi nhiều nước áp lệnh phong toả, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa cũng là lúc toàn cầu thấy cần phải nghĩ tới vấn đề an ninh lương thực. ...

Khi nhiều nước áp lệnh phong toả, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa cũng là lúc toàn cầu thấy cần phải nghĩ tới vấn đề an ninh lương thực.

"Tới lúc này, siêu thị vẫn đủ hàng dự trữ", Tổ chức Nông lương (FAO) cho biết trong một báo cáo cuối tháng trước. "Nhưng một đại dịch kéo dài sẽ nhanh chóng gây căng thẳng chuỗi cung ứng thực phẩm, một mạng lưới liên quan tới nhiều bên như nông dân, đầu vào nông nghiệp, nhà máy chế biến, vận chuyển, nhà bán lẻ..."

Thực tế, bài toán về lương thực của mỗi Chính phủ trong đại dịch một khác nhau.


Trung Quốc: Trông chờ vào công nghệ


Trung Quốc bị virus tấn công nặng nhất vào tháng 1 và tháng 2, với hàng ngàn trường hợp mới nhiễm nCoV được báo cáo mỗi ngày. Đất nước này đã áp đặt lệnh phong toả, cấm di chuyển liên tỉnh và yêu cầu người dân ở nhà, làm gián đoạn kinh doanh trong hầu hết lĩnh vực.

"Tại Trung Quốc, những hạn chế về logistics và khủng hoảng lực lượng lao động đã gây tổn thất với rau quả tươi, hạn chế tiếp cận với nguồn thức ăn chăn nuôi và năng suất các lò giết mổ bị giảm sút", báo cáo của FAO cho biết.

Với công nghệ mới và sự giàu có, Trung Quốc đã nỗ lực nhiều năm để cải thiện an ninh lương thực, chi hàng chục tỷ đô la trong thập kỷ qua để mua các doanh nghiệp hạt giống lớn. Những nỗ lực này đã góp phần không nhỏ "giảm đau" cho ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc trong dịch bệnh. Chính phủ trung ương đã phân phối 20 triệu USD tiền trợ cấp để hồi sinh ngành nông nghiệp và đầu tư vào công nghệ, bao gồm máy bay và xe không người lái, để có thể giữ cho chuỗi cung ứng tiếp tục hoạt động đều đặn mà không cần sự tiếp xúc của con người, báo cáo của FAO cho biết.

Ngay cả thị trường thương mại điện tử có ưu thế vượt trội cũng nhảy vào tiếp sức. Việc phong toả các tỉnh thành và hạn chế di chuyển cản trở xuất khẩu và vận chuyển hàng hoá. Vì vậy đại gia thương mại điện tử Alibaba thành lập một quỹ để giúp nông dân tìm thị trường đầu ra khác cho các sản phẩm chưa bán được của họ, báo cáo cho biết.

Australia đối mặt áp lực xuất khẩu


Australia xuất khẩu khoảng hai phần ba sản phẩm nông nghiệp và là nhà cung cấp chính cho khu vực châu Á Thái Bình Dương - nhưng sự giao thương quan trọng này đang bị đe dọa.

Ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và các chuyến bay quốc tế bị cắt giảm. Ít chuyến bay hơn có nghĩa là chi phí xuất khẩu thông qua đường hàng không sẽ cao hơn, Richard Shannon, người quản lý chính sách và vận động tại Growcom, cơ quan đại diện cho nông nghiệp thô sơ ở bang Queensland cho biết. "Ngành này đang nhanh chóng cố gắng tìm kiếm các tuyến đường thay thế", ông nói - nhưng một số nông dân Australia có thể cố gắng tìm người mua mới trong nước thay vì quốc tế.

Khoảng 14,5% hàng xuất khẩu của Australia là thực phẩm, theo Đài quan sát phức tạp kinh tế (OEC). Nếu nông dân không thể xuất khẩu hàng hóa, thu nhập của quốc gia này có thể thâm hụt hàng chục tỷ đôla Australia.

Nông dân có thể lựa chọn bán hàng hóa trong nước. Nhưng như vậy thì tất cả sản phẩm nông nghiệp vốn được gửi ra bên ngoài biên giới Australia đột nhiên ồ ạt vào nội địa. Số hàng hoá bất ngờ tràn vào này có thể gây áp lực lớn lên thị trường và ảnh hưởng đến giá bán, ông Shannon nói.

Chính phủ Australia can thiệp với gói viện trợ khẩn cấp, tuyên bố sẽ chi 110 triệu đôla Australia (67,4 triệu đôla Mỹ) để tăng số chuyến bay và giúp các nhà xuất khẩu vận chuyển hàng hóa đến các thị trường quốc tế quan trọng.

Nhưng đại dịch cũng đã đặt ra những vấn đề khác. Mùa đông đang đến ở Australia - có nghĩa là công nhân thời vụ trên toàn quốc đang đổ về Queensland, nơi gieo trồng hơn 90% loại rau mùa đông của nước này. Đột nhiên, dân số ở những thị trấn nhỏ vùng nông thôn tăng vọt lên với những người đến từ bên ngoài tiểu bang, tìm kiếm việc làm trong các trang trại.

Với số lượng lớn người sống và làm việc trong các khu vực san sát nhau như vậy, chỉ một vài ca nhiễm bệnh có thể gây ra thảm họa cho hoạt động của trang trại, và các trang trại này không thể ngừng hoạt động trong 14 ngày như doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. "Chúng tôi cung cấp một dịch vụ thiết yếu," Shannon nói. "Mọi người cần phải ăn để tồn tại."

Chính quyền và người trồng trọt ở Queensland đang phối hợp để tạo ra các quy tắc làm việc và quản lý để vừa có thể giữ an toàn cho công nhân, vừa ngăn chặn việc đóng cửa trang trại, như bố trí xen kẽ ca ăn trưa để giảm số người tiếp xúc gần.

Hong Kong và Singapore: Dùng tiền để giải quyết


Hong Kong và Singapore là hai trung tâm tài chính lớn của châu Á - nhưng với diện tích đất nông nghiệp hạn chế, họ nhập khẩu hơn 90% lượng thực phẩm, theo các trang web của chính phủ.

Mỗi nước có một nhà cung cấp chính. Hong Kong nhập khẩu phần lớn thực phẩm từ Trung Quốc đại lục và Singapore nhập khẩu từ Malaysia. Chừng nào các nguồn chính này vẫn ổn định, các mặt hàng thực phẩm sẽ được đảm bảo và việc dừng nhập khẩu từ các quốc gia khác sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn.

Ngay cả khi Trung Quốc đang gồng mình đối phó dịch bệnh, dòng hàng hoá vẫn đổ vào Hong Kong, Jonathan Wong, giám đốc Viện Bioresource và Nông nghiệp tại Đại học Baptist Hong Kong cho biết. Một số sản phẩm thuộc thị trường ngách, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nhỏ người tiêu dùng như hàu từ Pháp, có thể tạm ngừng cung cấp - nhưng đây không phải là nhu yếu phẩm hàng ngày và Hong Kong có thể thay thế nguồn cung thông qua các quốc gia khác, ông Wong nói.

Tương tự, mặc dù Malaysia hiện bị phong toả toàn quốc, ngành công nghiệp thực phẩm là một trong những dịch vụ thiết yếu được miễn trừ. Do đó, chuỗi cung ứng thực phẩm của Singapore vẫn không bị ảnh hưởng và không có sự gián đoạn nào đối với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, họ còn có nguồn dự trữ thực phẩm và đa dạ hoá nguồn cung, các quan chức chính phủ Singapore cho biết.

Quần đảo Thái Bình Dương: Nguy cơ cao nhất thiếu lương thực


Điều cốt yếu khiến Singapore và Hong Kong không gặp vấn đề là vì họ có đủ tiềm lực để mua thực phẩm từ các nguồn thay thế. Nhưng những nước có thu nhập thấp, phụ thuộc vào nhập khẩu như Quần đảo Thái Bình Dương, ở vào tình thế hoàn toàn khác

"Những người có nguy cơ cao nhất là những người không có cơ sở kinh tế vững chắc, như Kiribati hoặc Micronesia hoặc Tuvalu," David Dawe, nhà kinh tế cấp cao của FAO nói.

Một số quốc gia đang phát triển như Lào hoặc Myanmar sản xuất đầy đủ các mặt hàng thiết yếu bao gồm gạo để họ có thể sống sót qua tình trạng nhập khẩu cạn kiệt - nhưng các đảo Thái Bình Dương này quá nhỏ đến nỗi họ không tự trồng nhiều lương thực, Dawe nói. Họ "quá biệt lập và phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu."

Phần lớn nguồn thu nhập của những hòn đảo này dựa vào du lịch – nhưng không ai đi du lịch giữa đại dịch toàn cầu. Mất doanh thu chủ đạo từ du lịch, thiếu thực phẩm sản xuất trong nước và thiếu lưới an sinh cả về tài chính.

Tình trạng thiếu lương thực và giá cả leo thang có thể dẫn tới mất an ninh lương thực nghiêm trọng đối với cộng đồng dân số vốn đã dễ bị tổn thương.

Thế giới cần làm gì


Sự bất ổn tăng cao trong việc cung cấp thực phẩm toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến đại đa số những người nghèo khó nhất, theo cảnh báo của Ủy ban An ninh lương thực thế giới (CFS) của Liên Hợp Quốc tháng trước.

Liên Hợp Quốc đang thúc giục các nước bị ảnh hưởng về an ninh lương thực tiến hành các biện pháp khẩn cấp trong nước, cũng như hợp tác ở cấp độ toàn cầu để bảo vệ nguồn cung thực phẩm.

Chính phủ có thể bảo vệ công dân của mình bằng cách huy động các ngân hàng thực phẩm, chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình cần được giúp đỡ, thiết lập dự trữ lương thực khẩn cấp và thực hiện các bước để bảo vệ công nhân nông nghiệp, FAO cho biết.

Hợp tác quốc tế và thương mại toàn cầu mở rộng cũng là một giải pháp then chốt. Chính phủ nên loại bỏ các hạn chế xuất khẩu và thuế nhập khẩu thời gian này. Với những nước nghèo hơn không đủ khả năng chi trả các gói kích thích và giải cứu nông nghiệp, họ nên tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế.

FAO đánh giá, thế giới đã thiếu sự chuẩn bị trước "một cách khủng khiếp". "Nhưng bằng cách giữ cho chuỗi cung ứng tiếp tục di chuyển và tích cực tìm kiếm sự hợp tác quốc tế để giữ giao thương rộng rãi, không tắc nghẽn, các quốc gia có thể ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực và bảo vệ những người dân cần được bảo vệ nhất."

Hoàng Quân (theo CNN)